Nguyễn Trãi

Bạch Đằng Hải Khẩu





Sóc phong xuy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng (1)
Ngạc đoạn kinh khô (2) sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Quan hà bách nhị do thiên thiết (3)
Hào kiệt công danh thử địa tằng
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ
Lâm lưu phủ ảnh (4) ý nan thăng.


Dịch nghĩa:

Gió bắc thổi trên biển, khí trời lạnh như băng giá - Dong buồm reo (trong gió) băng qua cửa Bạch Đằng - Núi chia từng đoạn như cá sấu cá kình bị chặt lìa - Như những giáo bị chìm, kích bị gãy lớp lớp trên bờ - Sóng và cửa ải (nhờ hiểm trở) giúp cho hai (người) chống được cả trăm, đây là do trời xếp đặt - Tại nơi này từng có bao kẻ hào kiệt nên công danh - Quay đầu lại với chuyện cũ, ôi đã qua rồi ! - Trìu mến cúi nhìn ánh nước nhưng khó diễn tình ý.


Dịch thơ:

Cửa Biển Bạch Đằng

Gió biển bắc phương về giá buốt
Buồm reo vượt cửa khẩu sông Đằng
Núi như kình ngạc phân đòi đoạn
Đất tựa kích đao rải ngổn ngang
Hai chống hàng trăm, trời yểm trợ
Nhiều nên hào kiệt, đất tiềm tàng
Ôi, quay đầu lại ôn muôn sự
Ánh nước nhìn ra, ý nặng vương.


Chú thích:

(1) Bạch Đằng: con sông lịch sử của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), bắt nguồn từ Phát Lại chảy ra biển. Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ...

(2) Kình, ngạc: ý nói chiến thuyền của địch (như cá kình, cá ngạc) bị tan rã như núi non đứt đoạn.

(3) Thiên thiết: ý nói địa thế thiên nhiên hiểm trở có lợi cho kháng chiến.

(4) Các bản đều ghi Hán văn là cảnh, duy có bản Nguyễn Trãi Toàn Tập lại ghi là ảnh (bóng). Theo văn cảnh chúng tôi nghĩ chữ ảnh thích hợp hơn.

Được bạn: diên vỹ sưu tầm / đưa lên
vào ngày: 3 tháng 2 năm 2013

Bình luận về Bài thơ "Bạch Đằng Hải Khẩu"